Những ngành nào ở Việt Nam hưởng lợi sau tái mở cửa? Tin tức 24/09/2021
Chuyên gia VinaCapital đánh giá hàng không, bán lẻ, tiêu dùng và vật liệu xây dựng sẽ hưởng lợi đáng kể khi mở cửa lại nền kinh tế.
Theo đánh giá của VinaCapital, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu mở cửa dần từ giữa tháng 10 và kỳ vọng mở cửa hoàn toàn từ cuối năm 2021. Chính phủ cũng đã thay đổi chiến lược từ “Zero covid” sang “Sống chung với Covid-19”.
Tập đoàn này theo đó vừa đưa ra dự báo về đà phục hồi doanh thu và lợi nhuận của một số ngành có thể hưởng lợi từ diễn biến trên. VinaCapital gọi nhóm này là các cổ phiếu “tái mở cửa” vì có thể dễ dàng tách bạch các tác động khi mở cửa nền kinh tế.
Chẳng hạn như ngành ngân hàng cũng hưởng lợi rõ ràng từ tái mở cửa kinh tế nhưng nhóm này còn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố khác, bao gồm các chính sách về nợ xấu từ Chính phủ có thể tác động đến lợi nhuận ngân hàng.
Với vận tải hàng không, VinaCapital nhận thấy lưu lượng đi lại bằng máy bay trong nước hiện chỉ bằng 90% so với trước Covid-19.
“Chúng tôi kỳ vọng hoạt động bay nội địa gần như hồi phục trở lại mức trước Covid-19 vào cuối năm 2022 dựa trên tốc độ tiêm chủng vaccine hiện tại, trong khi khách du lịch quốc tế khó có thể hồi phục trước thời điểm giữa năm 2022. Điều này đồng nghĩa tổng lượng khách hàng không vẫn sẽ thấp hơn 20% so với trước Covid-19”, VinaCapital nêu triển vọng hàng không trong năm tới.
Theo đó, chuyên gia từ tập đoàn dự báo lợi nhuận ngành hàng không sẽ tăng hơn 2.000% trong năm 2022. Dự báo này loại bỏ Vietnam Airlines bởi vì doanh nghiệp được nhận hỗ trợ từ Chính phủ đã gây khó khăn trong việc dự báo thu nhập trên mỗi cổ phần (EPS) trong tương lai.
Một lưu ý khác là các hãng hàng không có chi phí cố định cao (đòn bẩy hoạt động cao), do đó doanh thu được dự báo chỉ tăng trưởng 166% trong năm tới. VinaCapital nói thêm giá cổ phiếu của các công ty theo đó cũng khó có thể tăng 2.000%, bởi vì nhà đầu tư khá lạc quan về triển vọng dài hạn nên cổ phiếu ngành hàng không chỉ mới giảm nhẹ dưới 10% kể từ đầu năm.
Với ngành bán lẻ, các biện pháp giãn cách xã hội thắt chặt đã được áp dụng tại TP.HCM trong hơn 3 tháng, trong đó có thời điểm người dân “ở nhà” trong một tháng. Đây là mức giãn cách nghiêm ngặt nhất tại Đông Nam Á.
Do vậy, các chuỗi bán lẻ ở Việt Nam gần như phải đóng cửa khoảng 60-80% lượng cửa hàng hiện hữu. VinaCapital dẫn chứng PNJ đóng 336 cửa hàng trang sức, Đầu tư Thế Giới Di Động (MWG) đóng 2.712 cửa hàng điện máy, FPT Retail tạm dừng 625 cửa hàng điện thoại… và được kỳ vọng mở lại từ tháng 11.
Ngược lại các cửa hàng tạp hóa và hiệu thuốc vẫn mở cửa thường xuyên trong thời gian giãn cách như 949 cửa hàng Bách Hóa Xanh (thuộc MWG) hay 268 nhà thuốc Long Châu (thuộc FPT Retail).
VinaCapital dự báo lợi nhuận ngành bán lẻ tăng trưởng 79% trong năm 2021 và 41% trong năm 2022. Ảnh: Nhật Sinh.
“Doanh thu của MWG có lẽ đã giảm thêm 10% nếu như không có đóng góp lớn của Bách Hóa Xanh. Trong khi Long Châu tăng mạnh trong năm nay cũng giúp nâng mức tăng trưởng bình quân của ngành bán lẻ. Do vậy chúng tôi hạ dự báo tăng trưởng lợi nhuận ngành bán lẻ trong năm 2022 từ mức cao của năm 2021”, VinaCapital lý giải.
Ngoài ra các công ty bán lẻ cũng hưởng lợi khi khách hàng buộc phải áp dụng đặt hàng online và giúp tăng triển vọng ngành thương mại điện tử. Trước Covid-19, tỷ trọng mua hàng tạp hóa ở các chuỗi bán lẻ hiện đại chưa đến 10%, do người vẫn ưa thích mua sắm tại chợ truyền thống.
VinaCapital dự báo các cửa hàng bán lẻ ở Việt Nam sẽ tăng thêm doanh thu khi nền kinh tế mở cửa trở lại do nhu cầu bị dồn nén. Đơn cử như nhiều người trẻ phải hoãn đám cưới vì Covid-19 sang năm sau, do đó doanh thu PNJ được kỳ vọng tăng thêm 5%. Trong khi các nhà bán lẻ điện tử vẫn duy trì được một phần doanh số bán hàng nhờ kênh online trong năm nay, dẫn đến triển vọng về doanh thu bị dồn nén thấp hơn so với mặt hàng trang sức.
Các quốc gia trên thế giới cũng chứng kiến sự bùng nổ khi nền kinh tế mở cửa trở lại, được thúc đẩy bởi nhu cầu lớn bị dồn nén ở hầu hết sản phẩm. Dù vậy triển vọng phục hồi ở Việt Nam khó bùng nổ vì tích lũy của người dân chưa đủ lớn để giải phóng nhu cầu khi mở cửa trở lại.
“Người tiêu dùng Việt Nam cũng tích trữ sản phẩm thiết yếu trước khi giãn cách xã hội. Doanh số các sản phẩm sữa và thực phẩm đóng gói tăng khoảng 2-3% trong năm nay, mức thấp do thu nhập của người dân bị ảnh hưởng. Tăng trưởng doanh số các sản phẩm tiêu dùng thiết yếu lại tăng vọt 7% trước khi áp dụng các biện pháp thắt chặt và sẽ giảm dần về cuối năm nay”, VinaCapital phân tích.
Đối với ngành vật liệu xây dựng, các dự án bất động sản và hạ tầng bị tạm dừng từ tháng 7 do người lao động khó di chuyển. Khối lượng vật liệu xây dựng được bán tại thị trường trong nước đã giảm 50% trong tháng 7 và sau đó giảm tiếp trong tháng 8.
Do vậy VinaCapital dự báo tăng trưởng doanh thu ngành có thể đạt 31% trong năm nay, nhờ một số công ty lớn (như Hòa Phát, Vicem Hà Tiên) còn có thị trường xuất khẩu. Nếu loại trừ sản lượng xuất khẩu thì doanh thu toàn ngành có thể giảm 20% thay vì mức tăng 31% như dự kiến.
Chuyên gia VinaCapital cũng kỳ vọng có đột biến trong ngành xây dựng hạ tầng ở Việt Nam trong năm tới. Chi tiêu công cho hạ tầng dự kiến tăng 20% trong năm 2021 nhưng kết quả thực tế trong 8 tháng đầu năm lại giảm 16% do ảnh hưởng của Covid-19. Phần lớn chi tiêu công cho năm 2021 có thể được chuyển sang năm 2022 khi Chính phủ muốn hỗ trợ khôi phục kinh tế trong năm tới.
Các công ty xây dựng cũng tiếp tục công việc vào tháng 10 để hoàn thành các dự án lớn. Điều này giúp công ty xây dựng và các nhà phát triển bất động sản ghi nhận thêm doanh thu và lợi nhuận trong các tháng tới. Tuy nhiên việc ghi nhận doanh thu còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác, dù triển vọng chung của nhóm ngành này vẫn lạc quan.
Nguồn: https://zingnews.vn/nhung-nganh-nao-o-viet-nam-huong-loi-sau-tai-mo-cua-post1265823.html